Góp vốn thành lập doanh nghiệp bằng quyền sở hữu trí tuệ

Quyết định thành lập doanh nghiệp là một trong những quyết định quan trọng đối với bất kỳ nhà đầu tư nào. Trong giai đoạn này, việc góp vốn là một trong những vấn đề đầu tiên mà các nhà đầu tư cần quan tâm, bởi việc góp vốn là yếu tố tiền đề, cơ sở phân chia lợi nhuận giữa các nhà đầu tư cũng như xác định phạm vi quyền hạn của chủ thể góp vốn đối với việc đưa ra các quyết định quan trọng trong hoạt động của doanh nghiệp sau này.

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế trong thời kỳ hội nhập, pháp luật Việt Nam cũng ghi nhận nhiều đối tượng mới được sử dụng để góp vốn thành lập doanh nghiệp, trong đó có quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, trên thực tế, việc sử dụng quyền sở hữu trí tuệ làm vốn góp thành lập doanh nghiệp vẫn chưa được phổ biến và còn nhiều hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

So Huu Tri Tue

Như vậy, góp vốn thành lập doanh nghiệp bằng quyền sở hữu trí tuệ là việc các chủ thể chuyển giao quyền sở hữu hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đối với tài sản trí tuệ của mình để góp vốn thành lập doanh nghiệp để trở thành chủ sở hữu hoặc các chủ sở hữu chung của doanh nghiệp. Do đó, để tiến hành góp vốn thành lập doanh nghiệp bằng quyền sở hữu trí tuệ cần phải thoả mãn các điều kiện sau:

Một là, về chủ thể góp vốn thành lập doanh nghiệp là chủ sở hữu các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ;

Hai là, việc chuyển giao quyền sở hữu hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng của tài sản trí tuệ ngoài việc tuân theo những quy định của pháp luật về góp vốn thành lập doanh nghiệp nói chung còn phải tuân theo các quy định riêng về trình tự, thủ tục chuyển giao quyền của Luật Sở hữu trí tuệ;

Ba là, về thời hạn góp vốn thành lập doanh nghiệp do các bên thỏa thuận, tuy nhiên phải xem xét đến yếu tố thời hạn bảo hộ của đối tượng sở hữu trí tuệ;

Bốn là, khi góp vốn thành lập doanh nghiệp bằng quyền sở hữu trí tuệ, chủ sở hữu chỉ có thể góp vốn bằng quyền tài sản đối với các đối tượng sở hữu trí tuệ, các quyền nhân thân đối với các đối tượng sở hữu trí tuệ không được sử dụng để góp vốn;

Năm là, việc xác định giá trị của quyền sở hữu trí tuệ dùng để góp vốn thành lập doanh nghiệp khá phức tạp và chủ yếu tôn trọng tự do thỏa thuận của các bên tham gia góp vốn.

Sau khi đã tiến hành thủ tục đăng ký kinh doanh, để hoàn tất thủ tục góp vốn thành viên góp vốn phải tiến hành chuyển giao quyền sở hữu/quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp cho doanh nghiệp. Theo đó, trong trường hợp các đối tượng sở hữu trí tuệ không cần phải tiến hành thủ tục đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền việc chuyển giao quyền sở hữu/quyền sử dụng không cần phải tiến hành thủ tục đăng ký mà thành viên góp vốn chuyển giao tài sản đó cho doanh nghiệp có xác nhận bằng biên bản. Cụ thể, các đối tượng sở hữu công nghiệp không phải tiến hành thủ tục đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền bao gồm: quyền tác giả; quyền liên quan đến quyền tác giả; quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại; quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh. Đối với các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ được xác lập trên cơ sở đăng ký bảo hộ như quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu thì thủ tục chuyển quyền sở hữu trí tuệ sang cho doanh nghiệp được thực hiện theo thủ tục đăng ký tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

So Huu Tri Tue2

Trong trường hợp hết thời hạn góp vốn hoặc do các bên thỏa thuận chấm dứt việc góp vốn, mà vẫn chưa hết thời hạn được bảo hộ đối với quyền sở hữu trí tuệ tương ứng thì bên góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ được nhận lại quyền sở hữu trí tuệ đó. Nếu bên góp vốn không có nhu cầu sử dụng quyền sở hữu trí tuệ, thì doanh nghiệp nhận góp vốn vẫn có thể sử dụng quyền sở hữu trí tuệ này, nếu được sự đồng ý của bên góp vốn. Nếu thời hạn bảo hộ đối với quyền sở hữu trí tuệ dùng để góp vốn đã hết, thì doanh nghiệp nhận góp vốn được vẫn được quyền sử dụng nhưng trong trường hợp này sẽ không được quyền sở hữu, nghĩa là không loại trừ các tổ chức, cá nhân khác sử dụng quyền sở hữu trí tuệ.

Nếu doanh nghiệp nhận góp vốn hoặc bên góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ bị phá sản, thì quyền sở hữu trí tuệ đã góp vốn được xử lý theo quyết định của Tòa án có thẩm quyền về việc tuyên bố phá sản. Nếu doanh nghiệp nhận góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ bị giải thể hoặc bên góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ là tổ chức bị giải thể, thì quyền sở hữu trí tuệ đã góp vốn được xử lý theo thỏa thuận của các bên phù hợp với quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Doanh nghiệp nhận góp vốn thành lập bằng quyền sở hữu trí tuệ phải hạch toán giá trị vốn góp bằng quyền sở hữu trí tuệ do bên góp vốn vào tài sản cố định và trích khấu hao vào chi phí hợp lý kinh tính thuế thu nhập doanh nghiệp kể từ khi góp vốn. Như vậy, theo nguyên tắc về việc ghi chép kế toán, chỉ có những quyền sở hữu trí tuệ có chi phí phát sinh thì mới được xem xét để hoạch toán vào vốn góp thành lập doanh nghiệp. Đây là một vấn đề bất cập hiện nay, bởi đối với các doanh nghiệp nhận góp vốn thành lập thì thành viên góp vốn chuyển giao quyền sở hữu quyền sở hữu trí tuệ sang cho doanh nghiệp và được hưởng các quyền lợi từ doanh nghiệp. Mặc dù, pháp luật có quy định về việc doanh nghiệp nhận góp thành lập bằng quyền sở hữu trí tuệ phải hoạch toán giá trị vốn góp bằng quyền sở hữu trí tuệ do bên góp vốn vào tài sản cố định doanh nghiệp, nhưng lại chưa quy định cụ thể về việc hoạch toán sổ sách kế toán của doanh nghiệp.

Hợp đồng góp vốn thành lập doanh nghiệp là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hay chấm dứt các quyền và nghĩa vụ trong việc góp vốn thành lập doanh nghiệp bằng quyền sở hữu trí tuệ. Hợp đồng góp vốn thành lập doanh nghiệp được tạo lập trên cơ sở tự do ý chí của các bên. Do đó, cũng giống như các loại hợp đồng thông thường khác, về nguyên tắc pháp luật sẽ không ràng buộc hoặc hạn chế sự tự do thỏa thuận của các bên.

Ở Việt Nam hiện nay, việc góp vốn thành lập doanh nghiệp bằng quyền sở hữu trí tuệ đã được pháp luật ghi nhận từ khá lâu, tuy nhiên trên thực tế hoạt động góp vốn thành lập doanh nghiệp bằng quyền sở hữu trí tuệ chưa được diễn ra phổ biến. Hiện nay, hoạt động góp vốn thành lập doanh nghiệp bằng quyền sở hữu và quyền sử dụng nhãn hiệu đang được diễn ra phổ biến và sôi động hơn cả. Còn hoạt động góp vốn thành lập doanh nghiệp bằng quyền sở hữu đối với các đối tượng là các giải pháp kỹ thuật hay các quy trình chưa được phổ biến.