Một số quy định mới về quản lý Khu công nghiệp Khu kinh tế Vĩnh Phúc

(BQLCKCN) – Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế. Nghị định có hiệu lực kể từ ngày 10/7/2018.

Dưới đây là một số điểm đáng chú ý của Nghị định số 82/2018/NĐ-CP:

* Bổ sung các quy định về các mô hình KCN mới: Khu công nghiệp hỗ trợ; Khu công nghiệp sinh thái; Khu công nghiệp – đô thị – dịch vụ

Nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các nhà đầu tư triển khai trên thực tế để nâng cao khả năng cạnh tranh của các KCN của Việt Nam trong thời gian tới, Nhà nước khuyến khích và có biện pháp hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập mới hoặc chuyển đổi toàn bộ hoặc một phần khu công nghiệp thuộc quy hoạch được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt sang hoạt động theo mô hình khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp sinh thái theo quy định tại Nghị định này.

Nhà đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và nhà đầu tư thuê đất, thuê lại đất đã có hạ tầng trong khu công nghiệp hỗ trợ, khu công nghiệp sinh thái được hưởng các ưu đãi áp dụng đối với đầu tư vào khu công nghiệp, ưu đãi áp dụng theo địa bàn và ngành, nghề theo quy định pháp luật và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền hỗ trợ về thủ tục hành chính, tư vấn kỹ thuật, xúc tiến đầu tư, cung cấp thông tin hợp tác đầu tư.

* Ưu đãi đầu tư đối với KCN, KKT

Khu công nghiệp là địa bàn ưu đãi đầu tư, được hưởng chính sách ưu đãi áp dụng đối với địa bàn thuộc Danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn theo pháp luật về đầu tư. Khu công nghiệp được thành lập tại địa bàn thuộc Danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng chính sách ưu đãi áp dụng đối với địa bàn thuộc Danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo pháp luật về đầu tư.

Khu kinh tế là địa bàn ưu đãi đầu tư, được hưởng chính sách ưu đãi áp dụng đối với địa bàn thuộc Danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo pháp luật về đầu tư.

Đối tượng, nguyên tắc và thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư của dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế thực hiện theo quy định pháp luật về đầu tư.

Nhà đầu tư, doanh nghiệp có dự án đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế được cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ thực hiện các thủ tục hành chính về đầu tư, doanh nghiệp, đất đai, xây dựng, môi trường, lao động, thương mại theo cơ chế “một cửa, tại chỗ”, hỗ trợ về tuyển dụng lao động và các vấn đề liên quan khác trong triển khai thực hiện dự án.

* Về phát triển nhà ở, công trình thể thao, văn hóa cho người lao động KCN, KKT

Để đảm bảo phát triển KCN gắn với phát triển đồng bộ hạ tầng xã hội, các công trình phúc lợi cho người lao động KCN, Nghị định bổ sung quy định về phát triển công trình thiết chế văn hóa, thể thao và phúc lợi công cộng cho người lao động KCN. Theo đó, chi phí đầu tư xây dựng, vận hành hoặc thuê nhà chung cư và các công trình kết cấu hạ tầng xã hội phục vụ cho công nhân làm việc tại khu công nghiệp, khu kinh tế là chi phí hợp lý được khấu trừ để tính thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp có dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế.

Dự án đầu tư xây dựng nhà ở, công trình văn hóa, thể thao, công trình kết cấu hạ tầng xã hội phục vụ công nhân làm việc tại KCN, KKT được hưởng ưu đãi theo quy định pháp luật về xây dựng nhà ở xã hội và pháp luật có liên quan.

* Về phương thức huy động các nguồn vốn đầu tư hạ tầng KCN, KKT

Về phương thức huy động vốn đầu tư hạ tầng KCN, Nghị định bổ sung quy định huy động các nguồn vốn hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng trong và ngoài hàng rào KCN theo quy định tại Điều 18 Nghị định 118/2015/NĐ-CP, đồng thời quy định UBND cấp tỉnh cân đối nguồn ngân sách địa phương để hỗ trợ nhà đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài khu công nghiệp; có chính sách khuyến khích nhà đầu tư và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp.

Về phương thức huy động vốn đầu tư hạ tầng KKT, Nghị định bổ sung hình thức đối tác công tư theo Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư, đồng thời điều chỉnh một số nội dung hỗ trợ đầu tư hạ tầng KKT theo quy định mới của Luật Đầu tư công về thẩm quyền phê duyệt chương trình mục tiêu hỗ trợ hạ tầng KKT.

Theo đó, công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và các công trình bảo vệ, xử lý ô nhiễm môi trường quan trọng của khu kinh tế được bố trí vốn từ nguồn vốn đầu tư phát triển của ngân sách địa phương và nguồn vốn hỗ trợ có mục tiêu của ngân sách địa phương; Dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng quy mô lớn, có vai trò then chốt đối với sự phát triển khu kinh tế được huy động vốn từ phát hành trái phiếu theo quy định của pháp luật; Công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cần thiết của khu kinh tế được sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn tín dụng ưu đãi và các hỗ trợ kỹ thuật khác theo quy định; Thu hút vốn đầu tư theo các hình thức BOT, BT, BTO và các hình thức khác theo quy định của pháp luật về đầu tư theo hình thức đối tác công – tư; Dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội phục vụ chung trong khu kinh tế được huy động vốn từ quỹ đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

* Về lưu trú, tạm trú trong khu công nghiệp, khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất

Ngoài các quy định về lưu trú, tạm trú cho chuyên gia làm việc tại KCN, KCX, doanh nghiệp chế xuất, Nghị định bổ sung quy định về nơi ở cho chuyên gia nước ngoài được bố trí riêng biệt với khu sản xuất, văn phòng và theo tiêu chuẩn của pháp luật xây dựng nhằm hạn chế tác động của việc lưu trú, sinh sống của chuyên gia đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Nghị định này thay thế Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế, Nghị định số 164/2013/NĐ-CP ngày 11/12/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 29/2008/NĐ-CP, Nghị định số 114/2015/NĐ-CP ngày 09/11/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 21 Nghị định số 29/2008/NĐ-CP.

 

Phòng Kế hoạch Tổng hợp